Hợp kim Vàng màu

Vàng trắng

Nhẫn cưới bằng vàng trắng mạ rhodi.

Vàng trắng thông thường là hợp kim chứa khoảng 75% vàng và khoảng 25% nikenkẽm.Vàng trắng nói chung là hợp kim của vàng với ít nhất một kim loại trắng (thường là niken, bạc hay paladi).[4] Cũng giống như vàng, độ tinh khiết của vàng trắng thường tính theo kara.

Các tính chất của vàng trắng thay đổi tùy theo từng kim loại được sử dụng để tạo hợp kim cũng như hàm lượng của chúng.Kết quả là các hợp kim vàng trắng có thể sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau; trong khi các hợp kim của niken thường là cứng và chắc, và vì thế phù hợp để làm các loại vòng và ghim thì các hợp kim vàng–paladi lại mềm và dẻo, phù hợp để làm các khung vàng trắng để dát đá quý, đôi khi với các kim loại khác như đồng, bạc hay platin, bổ sung cho trọng lượng và độ bền (mặc dù điều này thường phải có thợ kim hoàn chuyên biệt). Thuật ngữ vàng trắng được sử dụng rất lỏng lẻo trong công nghiệp để mô tả các hợp kim vàng với sắc ánh trắng. Bản thân từ "trắng" cũng bao trùm một khoảng rộng các màu, ở ranh giới hoặc chồng lấn với các sắc màu vàng nhạt, nâu mờ và thậm chí cả với màu hồng rất nhạt. Ngành công nghiệp trang sức thường che giấu những màu trắng mờ nhạt này bằng cách mạ rhodi; vì thế tồn tại một quan niệm sai lầm phổ biến coi màu của lớp mạ rhodi, được nhìn thấy trên nhiều sản phẩm thương mại, là màu thực sự của vàng trắng.

Một công thức thông thường để sản xuất vàng trắng là 90% vàng và 10% niken (tính theo trọng lượng).[3] Đồng cũng có thể thêm vào để làm tăng tính dẻo.[2]

Độ bền của các hợp kim vàng–niken–đồng là do sự hình thành của hai pha, là pha giàu vàng Au–Cu và pha giàu niken Ni–Cu, và độ biến cứng sinh ra của vật liệu.[2]

Các hợp kim sử dụng trong công nghiệp trang sức là vàng–paladi–bạc và vàng–niken–đồng–kẽm. Paladi và niken có vai trò là chất tẩy trắng chính cho vàng; kẽm hoạt động như chất tẩy trắng thứ cấp để làm giảm màu của đồng.

Niken có trong một số hợp kim vàng trắng có thể gây ra phản ứng dị ứng khi sử dụng trong thời gian dài (như ở một số loại vỏ đồng hồ đeo tay).[5] Phản ứng này, điển hình là phát ban nhỏ trên da do viêm da niken, xảy ra ở khoảng 1/8 số người; do đó, nhiều quốc gia không sử dụng niken trong công thức sản xuất vàng trắng của họ.

Vàng hiếm khi là vàng nguyên chất, ngay cả trước khi một kim loại khác được thêm vào để tạo ra hợp kim vàng trắng, và thường chứa hợp kim với thủy ngân từ quá trình sản xuất vàng; thủy ngân cũng có thể gây ra phản ứng dị ứng.[6]

Vàng vàng

Các ví dụ về các hợp kim vàng 18K màu vàng phổ biến bao gồm:

  • Vàng vàng 18K: 75% vàng + 12,5% đồng + 12,5% bạc.
  • Vàng vàng sẫm 18K: 75% vàng + 15% đồng + 10% bạc

Vàng hồng mai, vàng đỏ và vàng hồng phấn

Nhẫn đính hôn bằng vàng hồng mai đính kim cương.

Vàng hồng mai là hợp kim vàng–đồng[7] được sử dụng cho một số loại đồ trang sức chuyên biệt. Vàng hồng mai, còn được biết đến như là vàng hồng phấn hay vàng đỏ, là phổ biến ở Nga vào đầu thế kỷ 19, nên cũng được biết đến với tên gọi vàng Nga, mặc dù thuật ngữ này hiện nay đã trở thành lỗi thời. Trang sức vàng hồng mai trở nên phổ biến trong thế kỷ 21, và được sử dụng phổ biến để làm nhẫn cưới, vòng tay và các đồ trang sức khác.

Mặc dù các tên gọi này có thể dùng thay thế lẫn nhau, nhưng khác biệt giữa vàng đỏ, vàng hồng mai và vàng hồng phấn là ở hàm lượng đồng: đồng càng nhiều thì màu càng nghiêng về phía đỏ. Vàng hồng phấn sử dụng ít đồng nhất, kế tiếp là vàng hồng mai và cuối cùng là vàng đỏ với hàm lượng đồng cao nhất. Các ví dụ về các hợp kim phổ biến cho vàng hồng mai 18K, vàng đỏ 18K, vàng hồng phấn 18K và vàng đỏ 12K bao gồm:[3]

  • Vàng đỏ 18K: 75% vàng + 25% đồng.
  • Vàng hồng mai 18K: 75% vàng + 22,25% đồng + 2,75% bạc.
  • Vàng hồng phấn 18K: 75% vàng + 20% đồng + 5% bạc.
  • Vàng đỏ 12K: 50% vàng + 50% đồng.

Tới 15% kẽm có thể thêm vào các hợp kim giàu đồng để thay đổi màu của chúng thành vàng ánh đỏ hay vàng sẫm.[2] Vàng đỏ 14K, thường thấy ở Trung Đông, chứa 41,67% đồng.

Phiên bản cao kara nhất của vàng hồng mai là vàng crown (vàng cuon), chứa 22 kara vàng (91,667% vàng).

Trang kim

Bài chi tiết: Trang kim

Trang kim hay vàng dát là một họ các hợp kim vàng 18K hay 23K có hiệu ứng nhớ hình dạng đặc biệt, khi được xử lý nhiệt thì tạo ra bề mặt lấp lánh nhiều màu. Một số hợp kim vàng–đồng–nhôm tạo thành kết cấu bề mặt mịn khi xử lý nhiệt, sinh ra hiệu ứng lấp lánh hấp dẫn. Khi nguội, chúng trải qua biến dạng tựa martensit từ pha lập phương tâm khối (cI) sang pha bốn phương tâm khối (tI); với sự biến dạng không phụ thuộc vào tốc độ làm nguội.[8][9] Các vật thể đã đánh bóng được gia nhiệt trong dầu nóng tới 150–200 °C trong 10 phút và sau đó làm nguội tới dưới 20 °C, tạo thành bề mặt lóng lánh được che phủ với các mặt nhỏ xíu.

Trang kim gồm 76% vàng, 19% đồng và 5% nhôm có màu vàng; còn trang kim chứa 76% vàng, 18% đồng và 6% nhôm có màu hồng phấn.[2]

Vàng lục

Bài chi tiết: Electrum

Vàng lục được người Lydia (sinh sống trong khu vực ngày nay là miền tây Thổ Nhĩ Kỳ) biết đến từ khoảng năm 860 TCN dưới tên gọi electrum (vàng hổ phách), một hợp kim nguồn gốc tự nhiên của vàng với bạc.[3] Thực tế nó có màu vàng ánh lục chứ không phải là màu xanh lục. Các loại men nung bám vào các hợp kim này tốt hơn so với vào vàng nguyên chất.

Cadmi cũng có thể thêm vào các hợp kim vàng để tạo ra màu xanh lục, nhưng có những e ngại về sức khỏe liên quan tới việc sử dụng nó, do cadmium rất độc.[10] Hợp kim chứa 75% vàng, 15% bạc, 6% đồng và 4% cadmi có màu xanh lục sẫm.

Vàng xám

Các hợp kim vàng xám thường làm từ vàng và paladi. Một thay thế rẻ tiền hơn không cần sử dụng paladi là thêm 1-10% bạc, 7-15% mangan và đồng vào vàng, sao cho sản phẩm chứa 75-78% vàng.[11]